-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Chủ cửa hàng nhượng quyền Mixue bỏ công sức, tiền của phủ sóng thương hiệu cho Mixue.
Wednesday,
04/10/2023
Đăng bởi: Thao Tran
Nhiều người đã bỏ ra hàng tỷ, thậm chí vài hàng chục tỷ đồng để mở cửa hàng kinh doanh nhượng quyền Mixue. Song, họ đang phải ngồi “nhặt bạc lẻ”, trở thành người làm không công, thậm chí đối diện nguy cơ thua lỗ.
Cửa hàng Mixue mọc lên như nấm
Mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu luôn được nhiều nhà đầu tư ưu ái nhờ tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn cùng khả năng tiết kiệm chi phí xây dựng thương hiệu. Ở nước ta, mô hình kinh doanh này ngày càng nở rộ.
Mixue là một trong những thương hiệu kinh doanh nhượng quyền nổi tiếng ở Trung Quốc và Việt Nam những năm gần đây.
Năm 2018, Mixue chính thức vào thị trường Việt Nam dưới pháp nhân là Công ty TNHH Snow King Global. Tháng 9/2018, thương hiệu này cho ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội.
Sản phẩm chủ đạo của Mixue là những cây kem chỉ 10.000 đồng, trà sữa trung bình 25.000 đồng/ly - mức giá được xem là siêu rẻ so với sản phẩm cùng loại trên thị trường (45.000-75.000 đồng).
Giá rẻ nên sản phẩm rất dễ tiếp cận lượng khách hàng đông đảo là học sinh, sinh viên, gia đình có con nhỏ. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho một cửa hàng nhượng quyền là 600-700 triệu đồng (chưa bao gồm chi phí thuê mặt bằng và nhân viên), thu hồi vốn nhanh trong vòng 7-8 tháng.
Với những lời quảng cáo và cam kết đầy hấp dẫn, nhiều người đã đồng ý ký ngay hợp đồng nhượng quyền kinh doanh thương hiệu Mixue.
Theo đó, Mixue sẽ bán nguyên liệu, vật liệu đóng gói, thiết bị, công cụ, phương tiện và các hàng hóa khác cho các cửa hàng nhượng quyền; đồng thời thu phí nhượng quyền, phí quản lý, phí đào tạo... từ các cửa hàng này.
Chỉ trong vài năm thâm nhập, các cửa hàng Mixue mọc lên như nấm tại khắp 43 tỉnh, thành phố. Đến giữa tháng 4/2023, Mixue thông báo chạm mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam.
Trao đổi với PV.VietNamNet, một chuyên gia phát triển thị trường của thương hiệu siêu thị lớn tại Việt Nam nhìn nhận, nhượng quyền kinh doanh ngày càng phổ biến ở nước ta hiện nay.
Chưa bàn tới đúng - sai trong vụ lùm xùm áp chính sách giá mới của Mixue những ngày gần đây, vị chuyên gia này cho rằng, thương hiệu này cung cấp độc quyền nguyên vật liệu, phí quản lý, đào tạo… tức lợi nhuận đến từ nhượng quyền chứ không phải kinh doanh tự thân, nên mở càng nhiều cửa hàng nhượng quyền họ càng thu lợi lớn.
Ở một số thương hiệu nhượng quyền hay chuỗi siêu thị, khi mở thêm một cửa hàng sẽ kèm điều kiện về khoảng cách địa lý tối thiểu, hoặc dựa trên doanh thu của cửa hàng đã mở trước đó tại cùng khu vực. Ví dụ, mỗi cửa hàng phải cách nhau ít nhất 0,5-1km; doanh thu nếu đạt trên trung bình sẽ cho mở thêm cửa hàng mới và ngược lại.
Với thương hiệu Mixue, theo phản ánh của các chủ cửa hàng nhượng quyền, các cửa hàng cách nhau tối thiểu 50m như thế quá dày. Như thế, cửa hàng Mixue không những phải cạnh tranh với các thương hiệu khác mà còn cạnh tranh với khách từ chính thương hiệu của mình.
"Trong nhượng quyền kinh doanh, thời điểm đầu số lượng các cửa hàng ít, thị trường ở trạng thái "hưng phấn" chủ cửa hàng sẽ thấy lãi ngay. Nhưng khi cửa hàng nhượng quyền mọc lên như nấm, chủ đầu tư chưa kịp thu hồi vốn thị trường đã bão hòa. Công ty nhượng quyền còn liên tục đưa ra các chính sách mới bất lợi, cuối cùng, phía chịu thiệt là các chủ cửa hàng", vị chuyên gia chia sẻ.
Đầu tư tiền tỷ, chủ hàng ngồi “nhặt bạc lẻ”
Trước khi quyết định đầu tư mở 5 cửa hàng nhượng quyền Mixue ở Hà Nội, chị Nguyễn Thị Lừng được nhân viên bên Mixue quảng cáo, 1 cửa hàng có giá thuê từ 10-20 triệu đồng/tháng, nếu doanh thu đạt 6-7 triệu đồng/ngày thì chỉ cần sau 7-8 tháng sẽ thu hồi lại vốn.
“Chi phí để đầu tư cửa hàng họ cũng nói chỉ dao động 600-700 triệu đồng. Nhưng thực tế khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, số tiền đầu tư lên đến 1,1-1,2 tỷ đồng”, chị Lừng cho hay.
Theo chị, với giá bán như hiện nay (áp giá mới 15.000-30.000 đồng/ly trà), doanh thu cửa một cửa hàng đạt 6-7 triệu đồng/ngày vẫn lỗ. Chưa kể, các chương trình khuyến mãi giảm giá, cửa hàng đều phải chịu hoàn toàn chi phí.
Các chủ cửa hàng rất khó thu hồi vốn, vô tình thành người làm công cho Mixue hoặc chịu thua lỗ, chị Lừng chia sẻ.
Chị Lê Thị Dung, chủ cửa hàng Mixue ở Bắc Giang, cũng thừa nhận, doanh thu chỉ vài triệu đồng/ngày trong khi chi phí đầu tư từ 900 triệu đến 1,2 tỷ đồng nên không biết bao giờ mới thu hồi được vốn.
“Mùa hè còn bán được hàng, mùa đông không có khách. Cửa hàng ở huyện doanh thu chỉ hơn 1 triệu đồng/ngày thì không thể thu hồi vốn trong vòng 3 năm như hợp đồng đã ký”, chị lo ngại.
Chi ra hơn 3 tỷ đồng để mở 3 cửa hàng Mixue ở Hà Nội và Quảng Ninh, anh Trung cho hay, cửa hàng thứ nhất anh mở được 1 năm nay. Lúc tìm hiểu kinh doanh nhượng quyền, phía Mixue nói chỉ 6-7 tháng sẽ thu hồi vốn. Song thực tế, đến nay vốn mới thu về được 10-15%.
Không chỉ thu hồi vốn chậm, theo anh Trung, Mixue áp dụng quá nhiều chương trình giảm giá. Hệ thống cửa hàng đều phải chạy các chương trình này. Khi đó, sản phẩm bán được nhiều nhưng chủ hàng phải gánh lỗ, còn Mixue lại lời vì bán được nhiều nguyên liệu.
Nếu chủ cửa hàng không chạy khuyến mãi theo Mixue công bố sẽ phải chịu phạt, anh than thở. Trong khi, đến banner treo tại cửa hàng họ cũng phải tự đi in, Mixue không hỗ trợ.